Răng số 8 còn có cái tên vô cùng quen thuộc là răng khôn. Đây là loại răng được xem là gây không ít rắc rối, nhất là trường hợp chúng mọc lệch vì dễ gây đau đớn, viêm và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn về loại răng này, hãy cùng AVA Dental tham khảo nội dung dưới đây ngay nhé!
Răng số 8 là răng gì?
Răng số 8 (răng khôn) là loại răng nằm ở vị trí số 8 tính từ răng cửa. Chúng không mọc từ khi chúng ta còn là trẻ sơ sinh mà phải đến giai đoạn 17 tuổi trở lên, khi khuôn hàm phát triển đầy đủ thì chúng mới “lộ diện”.
Nếu như răng khôn mọc đúng cách, không chèn ép các răng khác thì không ảnh hưởng gì đến cấu trúc răng hàm. Nhưng nếu răng mọc lệch, chèn vào răng khác, mọc một phần còn phần khác kẹt trong nướu… thì có thể dẫn đến nhiễm trùng, sâu răng, hôi miệng.
Thậm chí chúng có nguy cơ ảnh hưởng đến cả cấu trúc răng hàm, gây tình trạng răng mọc lệch, hô, móm. Vì thế, nhiều nha khoa khuyên bạn nên nhổ răng khôn đi.
>>> Răng Số 6 – Vị Trí, Vai Trò Và Những Vấn Đề Thường Gặp
Các loại răng khôn số 8
Mỗi người sẽ sở hữu tối đa 4 răng vị trí số 8, trong đó có 2 cái hàm trên và 2 cái hàm dưới, chia đều cho cả 2 bên hàm. Nhiều trường hợp khác đôi khi chỉ mọc 1 – 3 chiếc răng hoặc thậm chí là chẳng mọc chiếc răng khôn nào.
Về loại răng, răng vị trí 8 được chia làm các loại sau:
- Răng khôn mọc thẳng: Răng khôn khi mọc sẽ khiến bạn có cảm giác đau nhức, sốt nhẹ nhưng khi răng mọc hết thì triệu chứng cũng chấm dứt, không làm ảnh hưởng các răng khác.
- Răng khôn mọc ngầm: Răng khôn mọc ngầm không thể thấy bằng mắt thường mà phải khi xuất hiện cơn đau, chụp chiếu bằng X-quang thì mới thấy sự hiện diện của loại răng này. Vị trí răng có thể mọc ngầm chen vào chân răng của các răng bên cạnh.
- Răng khôn mọc lệch: Răng khôn mọc lệch rất thường xuyên xảy ra, chúng “xâm chiếm” sang vị trí của răng số 7. Răng có thể mọc hết hoặc mọc một nửa, khiến bạn đau đớn, thức ăn dễ mắc vào khe kẽ răng, về lâu dài có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Các tác động của răng khôn số 8 đối với sức khỏe
Khác với những loại răng khác đều có một nhiệm vụ nào đó trong việc ăn nhai và thẩm mỹ, răng khôn hoàn toàn thừa thãi. Chúng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như:
Làm tổn thương răng và các mô nướu xung quanh
Răng khôn khi mọc lệch, chúng sẽ đâm thẳng vào răng số 7, làm tổn thương răng này. Lâu dần vùng nướu xung quanh cũng bị tổn thương, tăng nguy cơ viêm tủy răng, sâu răng.
Gây viêm khoang miệng
Theo bác sĩ Phạm Minh Hoàng – Hiện đang làm việc tại nha khoa thẩm mỹ AVA Dental cho biết:
“Tác hại lớn nhất của răng khôn là khi mọc chúng rất dễ gây sưng đau, tạo cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi, tấn công khoang miệng và dẫn đến viêm răng. Nếu như tình trạng viêm kéo dài, chúng lây lan sang vùng nướu xung quanh, đến cả lưỡi, má.”
Khó vệ sinh
Răng khôn nằm ở trong cùng khuôn hàm, nên dù răng có mọc lệch hay không thì việc vệ sinh nó cũng rất khó khăn. Răng mọc ngầm còn xiên ngang, tạo không gian cho mảng bám, thức ăn thừa, khó vệ sinh. Lâu dài gây sâu răng, viêm lợi, viêm kẽ răng.
Nguy cơ thành bệnh lý nguy hiểm
Răng mọc ngầm trong một số trường hợp có thể phát triển thành khối u nang làm suy yếu xương hàm, chèn ép dây thần kinh. Khiến cho cảm giác vùng niêm mạc môi, răng bị rối loạn.
Khi nào thì nên và không nên nhổ bỏ răng khôn?
Theo giải đáp từ bác sĩ Phạm Minh Hoàng – Bác sĩ nha khoa đang làm việc tại AVA Dental cho biết:
“Tùy theo từng trường hợp mà bạn có nên nhổ răng không hay không. Nếu răng không gây ảnh hưởng về sức khỏe và thẩm mỹ thì không cần nhổ. Nhưng nếu răng gây bất kỳ bất lợi nào, thì bạn nên cân nhắc việc nhổ bỏ chúng đi.”
Trường hợp nên nhổ răng khôn
Răng khôn nếu mọc không đúng chỗ sẽ gây tổn thương cho các răng bên cạnh, tăng nguy cơ mắc bệnh nha chu cũng như ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Do đó, bạn nên cân nhắc việc nhổ bỏ chúng để không gây biến chứng. Một số trường hợp nên cân nhắc nhổ răng số 8 như:
- Răng mọc làm đau, sưng, nhiễm trùng tái đi tái lại nhiều lần và làm ảnh hưởng đến các răng xung quanh.
- Răng chưa gây biến chứng nhưng có khe giắt thức ăn giữa răng khôn và răng nằm bên cạnh. Thức ăn dễ mắc vào răng, khó vệ sinh, tăng nguy cơ sâu răng và hôi miệng.
- Răng mọc thẳng, đủ chỗ, không bị cản trở nhưng không có răng đối diện ăn khớp nên về lâu dài răng mọc trồi dài xuống hàm đối diện, tạo bậc thang giữa các răng.
- Bác sĩ chẩn đoán răng vị trí 8 là nguyên nhân của các bệnh nha chu (nếu có).
- Răng khôn bị sâu hoặc đang bị bệnh nha chu và cẩn chỉnh hình hoặc loại bỏ.
- Răng mọc thẳng, không gặp cản trở bởi xương hay nướu nhưng có hình dạng dị thường như nhỏ hơn hay lớn hơn các răng còn lại. Thức ăn nhồi nhét vào kẽ răng, ảnh hưởng các răng bên cạnh.
Trường hợp không cần nhổ răng khôn
Nếu răng số 8 của bạn thuộc một trong những trường hợp sau, có thể bạn không cần phải nhổ răng:
- Răng mọc thẳng, bình thường, không ảnh hưởng các mô xương hay nướu, không gây biến chứng. Tuy nhiên, việc giữ lại cần chú ý vệ sinh răng miệng, dùng chỉ nha khoa, tăm nước và bàn chải chuyên dụng.
- Răng mọc liên quan trực tiếp đến cấu trúc quan trọng như dây thần kinh, xoang hàm.
- Người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh tim mạch, rối loạn đông máu…
>>> Răng Số 7 Là Gì? Giải Đáp Cùng Chuyên Gia
Nhổ răng khôn có gây nguy hiểm không?
Mặc dù chúng ta đều biết việc nhổ răng khôn sẽ loại trừ được rất nhiều rủi ro, nguy cơ xấu về răng miệng nhưng bạn cũng cần phải cảnh giác trước nguy cơ biến chứng khi nhổ bỏ loại răng này.
Theo bác sĩ Phạm Minh Hoàng:
“Răng khôn nằm ở vị trí rất gần các dây thần kinh quan trọng trong cơ mặt cũng như mạch máu. Chỉ cần một sai sót dù nhỏ nhất trong quá trình nhổ răng cũng có nguy cơ gây biến chứng nghiêm trọng cho bạn.
Vì thế, việc nhổ răng phải do bác sĩ nha khoa giàu kinh nghiệm, có chuyên môn cao thực hiện. Phòng nhổ răng phải đảm bảo các yếu tố vô trùng, riêng tư và đảm bảo an toàn nhất. Có như vậy, quá trình nhổ răng mới an toàn, hạn chế việc hoại tử răng, nhiễm trùng, tác động đến mạch máu hay dây thần kinh.”
Những lưu ý sau khi nhổ răng số 8
Sau khi đã nhổ răng vị trí số 8, bạn nên làm theo chỉ định của bác sĩ về kiêng ăn một số món ăn và chăm sóc răng sao cho đúng cách.
Kiêng ăn sau khi nhổ răng
- Tránh những món ăn quá cứng, quá dai hoặc có vị chua gắt, cay nóng.
- Không uống đồ uống có cồn như rượu bia hay đồ uống có gas, nước ngọt.
- Không hút thuốc lá.
- Không ăn đồ ăn có tính giòn vì dễ mắc vụn thức ăn vào vết mổ.
>>> Răng số 8 là răng nào? Những điều cần biết về răng số 8
Chăm sóc sau khi nhổ răng
- Dùng đá lạnh bọc trong khăn để chườm liên tục từ 15 – 20 phút sau khi đã hết thuốc tê để giảm sưng đau.
- Khoảng 8 – 12 giờ sau khi nhổ răng, nên vệ sinh răng miệng thật nhẹ nhàng bằng nước muối loãng và nước lọc, không dùng bàn chải đánh răng chà xát vào vùng mổ.
- Đổi sang chườm khăn ấm vào ngày thứ 2 sau khi mổ.
- Nghỉ ngơi, tránh căng thẳng để vết mổ nhanh lành.
Trên đây là những kiến thức mới nhất về răng số 8 từ AVA Dental. Nếu bạn đang có nhu cầu về dịch vụ thẩm mỹ răng miệng hoặc nhổ răng, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ sớm nhất nhé!